Điện Biên là một trong những huyện đi đầu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất, tạo ra các sản phẩm năng suất, chất lượng theo hướng hàng hóa. Vụ đông xuân 2020 - 2021 và vụ mùa 2021, huyện triển khai dự án phát triển sản xuất thuộc nguồn vốn quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Dự án gồm 2 dự án thành phần: “Cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Điện Biên” và “Áp dụng các tiến bộ KHKT, giống mới vào sản xuất”.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên kiểm tra quá trình sinh trưởng của cây lúa thuộc Dự án “Cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Điện Biên” tại thôn A2, xã Noong Luống

Dự án “Cánh đồng lớn” thực hiện tại 5 xã: Thanh Xương, Thanh An, Noong Luống, Thanh Chăn và Sam Mứn với quy mô 330ha. Dự án áp dụng đồng bộ các tiến bộ KHKT, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất từ khâu làm đất, cấy máy đến thu hoạch, xây dựng quy trình sản xuất an toàn theo hướng VietGAP, hữu cơ; vận động người dân tham gia ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tạo vùng nguyên liệu ổn định để phát triển thương hiệu gạo Điện Biên. Đối với Dự án “Áp dụng các tiến bộ KHKT, giống mới vào sản xuất” được triển khai tại 10 xã: Thanh Nưa, Thanh Yên, Hua Thanh, Mường Pồn, Mường Lói, Phu Luông, Mường Nhà, Na Tông, Hẹ Muông, Thanh Luông với quy mô 255ha sử dụng các giống lúa: Phú ưu 1, HDT10, Bắc thơm kháng bạc lá, PC 15 kháng đạo ôn và Nếp 86, 98... là những giống lúa mới đưa vào sản xuất thử tại các xã vùng ngoài, vùng bị nhiễm đạo ôn, bạc lá nặng để theo dõi, đánh giá nhân rộng trong các vụ tiếp theo.

Là hộ tham gia vào dự án “Cánh đồng lớn”, với sự hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, vụ đông xuân 2020 - 2021, 6.000m2 lúa cấy giống séng cù của gia đình ông Bùi Văn Đường, thôn A2, xã Noong Luống tốn ít công, giảm chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nhưng năng suất cao, thóc bán được giá cao hơn so với sản xuất truyền thống.

Ông Đường chia sẻ: Từ khi tham gia dự án, tôi thấy các quy trình được hướng dẫn theo dự án phù hợp với điều kiện sản xuất hiện nay. Đặc biệt mô hình không sử dụng thuốc trừ cỏ nhưng ruộng không có cỏ; bông lúa tuy thưa nhưng hạt thóc to và có độ mẩy, chắc cao. Nhờ sử dụng máy cấy lúa, máy sục bùn nên gia đình tôi tiết kiệm được công lao động và các chi phí khác. Vụ đông xuân vừa rồi, năng suất lúa bình quân của gia đình tôi đạt 80 tạ/ha, thóc bán được giá cao hơn một giá so với cùng loại giống sản xuất theo truyền thống.

Đánh giá hiệu quả các dự án, bà Đặng Thị Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên cho biết: Các dự án triển khai tương đối phù hợp trình độ của người dân, đáp ứng được những nhu cầu thực tế đặt ra hiện nay. Việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất đã giảm chi phí đầu vào, giảm áp lực về sâu bệnh; đặc biệt đây là giải pháp tối ưu trong việc xử lý lúa lẫn. Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, sử dụng giống lúa mới chất lượng cao đã nâng cao giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần thay đổi tư duy sản xuất manh mún, tiếp cận sản xuất nông nghiệp hàng hóa, có khả năng nhân rộng trong các vụ tiếp theo. Vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021 đạt kết quả tốt, hiện nay Trung tâm đang tiếp tục triển khai vụ mùa 2021 để đánh giá tính thích nghi của từng loại giống phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, trình độ canh tác của nông dân để làm cơ sở bổ sung thêm giống mới vào bộ giống lúa của huyện.

Hiện nay, một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã được triển khai trên địa bàn huyện Điện Biên. Điển hình là Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh, đội 17, xã Thanh Xương đã áp dụng công nghệ trồng bí xanh chất lượng cao và một số loại rau, củ, quả. Thành lập từ tháng 12/2020, với diện tích sản xuất 10ha, trong đó HTX Phú Mỹ Xanh đã đầu tư 3ha đổ cột bê tông làm giàn bí để trồng bí xanh, bí đỏ đảm bảo bền chắc, khoa học; đầu tư hệ thống tưới tự động nhỏ giọt và phun sương theo tiêu chuẩn công nghệ Israel, áp dụng KHKT toàn bộ khâu chăm sóc. Nhờ đó sản phẩm đạt năng suất cao, đảm bảo chất lượng; năng suất bí xanh đạt từ 80 - 120 tấn/ha/vụ, mỗi vụ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Ông Trần Quốc Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh cho biết: Quỹ đất của tỉnh ta còn rất nhiều, lại có lợi thế để sản xuất trái vụ, song quy trình và nhận thức trong sản xuất của người dân chưa bài bản nên hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Nhằm tạo ra sản phẩm lợi thế và liên kết vùng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bước đầu HTX đã tập trung sản xuất các loại cây trồng ngắn ngày như bí xanh, bí đỏ… mang lại hiệu quả. Ngoài trồng bí, HTX trồng thử nghiệm chuối, ngô ngọt cũng là những cây trồng ngắn ngày, ít công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao. Để mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời chuyển giao KHKT, hình thành liên kết trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân, HTX tham gia liên kết sản xuất với người dân xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) và huyện Mường Ảng để trồng bí xanh, bí đỏ. Qua đó chuyển giao quy trình sản xuất, đưa các giống cây trồng ngắn ngày vào sản xuất đại trà, đảm bảo đầu ra của sản phẩm, giúp người dân có thu nhập nhanh, từ đó có vốn tái đầu tư, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hiệu quả từ các mô hình sản xuất ứng dụng, chuyển giao KHKT đã khẳng định yếu tố quyết định trong việc tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, tác động tích cực đến việc thu hút, hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người dân. Qua đó khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế tạo giá trị hàng hóa; nâng cao năng suất cây trồng; nâng cao kỹ thuật canh tác và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

http://baodienbienphu.com.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 885.178
      Online: 2