Những năm qua, nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa được xây dựng đã góp phần tăng năng suất, sản lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập của người nông dân.

Ông Nguyễn Đình Kỳ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Công tác nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển giao, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua được quan tâm. Hàng năm có nhiều mô hình sản xuất thử nghiệm thành công và nhân rộng. Nhờ đó người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp rút ngắn thời gian sản xuất, giảm chi phí đầu tư nhưng năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Thành viên Hợp tác xã Công nghệ cao Bản Mé chăm sóc cây cà chua.
 

Giai đoạn 2013 - 2020, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai 47 nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp tỉnh và 5 nhiệm vụ thuộc Chương trình Nông thôn miền núi. Trong đó, tổng kinh phí chi hoạt động khoa học - công nghệ thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trên 66 tỷ đồng. Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ đã tuyển chọn và đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Đồng thời, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc quy hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện xây dựng và đăng ký thành công bảo hộ chỉ dẫn địa lý Điện Biên cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64; xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể sản phẩm nếp tan Na Son; ứng dụng, chuyển giao và hoàn thiện công nghệ sản xuất giống vật nuôi thương phẩm; đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao; xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn theo hướng VietGAP.

Đến nay, tỉnh ta đã hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh; chăn nuôi phát triển theo hướng gia trại, trang trại. Điển hình như các mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao tại cánh đồng Mường Thanh; mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất rau an toàn VietGAP tại huyện Điện Biên; chè Shan tuyết Tủa Chùa…

Hợp tác xã Công nghệ cao Bản Mé (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên) thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà kính có quy mô 3.500m2 với 5.000 gốc dưa leo Baby Đà Lạt, 2.000 gốc cà chua Nowara RZ Nhật Bản. Cây dưa leo và cà chua được trồng trong một bầu giá thể bằng xơ dừa, đặt trong luống đã được lót bạt ni lông cách ly với nền đất để tránh mầm bệnh. Hệ thống nước tưới hoàn toàn tự động bằng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel. Cách tưới này giúp cho chất dinh dưỡng từ phân bón và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Trong nhà kính, hợp tác xã trồng dưa, cà chua quanh năm với thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi trồng đến thu hoạch đối với dưa leo khoảng 35 - 40 ngày, thu hoạch liên tiếp trong 40 ngày; cà chua 55 - 60 ngày, thu hoạch liên tục trong 90 ngày. Với 5.000 gốc dưa leo lứa thứ nhất cho sản lượng 2 tấn quả, bán với mức giá là 25.000 đồng/kg; 2.000 gốc cà chua Nhật Bản cũng cho thu hoạch hơn 2 tấn quả với giá bán 30.000 đồng/kg.

Ông Hoàng Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Công nghệ cao Bản Mé cho biết: “Trồng rau củ quả trong nhà kính có ưu điểm là tránh được thời tiết thất thường, chủ động chế độ dinh dưỡng cho cây, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập… Bên cạnh đó, hệ thống nhà kính còn giảm tối đa chi phí cho việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sinh vật gây hại và quan trọng là sản phẩm đảm bảo an toàn”.

http://www.baodienbienphu.com.vn/


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 885.640
      Online: 30