Thời gian qua, nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, hiệu lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cơ quan Nhà nước, người dân và doanh nghiệp thuận tiện hơn khi thực hiện các giao dịch.

Tỉnh Điện Biên xác định việc xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số nhằm chuyển đổi hoạt động quản lý điều hành của chính quyền dựa trên cơ sở dữ liệu và công nghệ số, tạo cơ sở xây dựng nền hành chính hiện đại, đổi mới phương thức phục vụ, bảo đảm gắn kết ứng dụng số với cải cách hành chính…, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để đảm bảo thực hiện được mục tiêu phát triển Chính quyền số nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cấp Chính quyền, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước được thực hiện đồng bộ ở cả ba cấp: Tỉnh, huyện, xã; hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư, hệ thống nền tảng từng bước được hoàn thiện. Đến nay, 100% cơ quan Nhà nước các cấp được kết nối mạng nội bộ (LAN), mạng Internet và được kết nối vào Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước; 100% các cơ quan Nhà nước của tỉnh đã thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử sử dụng chữ ký số; măm 2021, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện gửi nhận trên 1,2 triệu văn bản điện tử đạt tỷ lệ trên 95%; hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (trong đó: 587 thủ tục mức độ 4, 104 thủ tục mức độ 3, tăng gần 200 thủ tục so với năm 2020); hệ thống hội nghị trực tuyến ngày càng mở rộng số điểm họp (Hệ thống được kết nối từ Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đến các Sở, ngành và 129 xã, phường, thị trấn), số lượng cuộc họp trực tuyến ngày càng tăng.

Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh được kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin đủ điều kiện chia sẻ dữ liệu của các cơ quan Trung ương, hệ thống thông tin Quốc gia. Trung tâm giám sát điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) được triển khai theo mô hình “4 lớp” để thực hiện giám sát, phát hiện và cảnh báo sớm, kịp thời các nguy cơ tấn công mạng trên địa bàn tỉnh; Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, Chính phủ được triển khai đồng bộ...

Bên cạnh kết quả trên, vẫn còn một số khó khăn trong xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số của tỉnh như: một số lãnh đạo, cán bộ công chức các cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số; hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống đảm bảo an toàn, an ninh mạng chưa được quan tâm (nhất là cơ quan cấp xã); cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin còn thiếu; một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn e dè, chưa chủ động tích cực ứng dụng các tiện ích của Chính quyền điện tử, chuyển đổi số, trong đó có dịch vụ hành chính công mức độ 3,4.

Việc xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số bước đầu đã làm thay đổi cách thức làm việc của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh từ phương thức thủ công sang môi trường điện tử, môi trường số, các nhiệm vụ được giải quyết nhanh chóng, chính xác, đồng bộ hơn. Trên cơ sở những kết quả đạt được, các cấp, các ngành đang từng bước triển khai thực hiện Chuyển đổi số, đây là nhiệm vụ chưa có tiền lệ, sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, do đó toàn tỉnh sẽ bám sát mục tiêu chung, cụ thể hóa bằng việc tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, đó là: xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở hợp nhất tích hợp giữa Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử để tiếp nhận, giải quyết, theo dõi, đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phát triển các hệ thống phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành như Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống báo cáo…; hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin và truyền thông là hạ tầng thiết yếu cho chuyển đổi số; Xây dựng cơ sở dữ liệu mở, dữ liệu dung chung toàn tỉnh, phát triển các hệ thống nền tảng công nghệ số; Tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp… nhằm hoàn thành mục tiêu “5 không” Xử lý văn bản không giấy tờ, họp không gặp mặt, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính không tiếp xúc, thông tin không nhập nhiều lần, thanh toán không dùng tiền mặt.  


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Thống kê truy cập
Thống kê: 544.202
Online: 8