Chiều ngày 17/3, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ toàn quốc năm 2022
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, tạo lập hành lang pháp lý, tổ chức triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong kết quả chung đó, sự đóng góp quan trọng của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các địa phương tiếp tục khẳng định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.
Nhằm đánh giá kết quả hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo thời gian qua, đồng thời nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc, chia sẻ bài học kinh nghiệm cũng như đề xuất các giải pháp trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ toàn quốc năm 2022. Đây là hội nghị thường niên và cũng là dịp để toàn ngành tăng cường kết nối, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp hoạt động giữa các đơn vị trong Bộ với các Sở KH&CN, giữa các địa phương với nhau để cùng hướng tới mục tiêu chung là triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả cao, KH&CN đóng góp nhiều hơn nữa cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Toàn cảnh Hội nghi.
Theo Báo cáo tại Hội nghị, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, Bộ KH&CN đã xem xét hỗ trợ 311 nhiệm vụ thuộc các Chương trình KH&CN cấp quốc gia. Các nhiệm vụ KH&CN đã giúp cho các địa phương giải quyết những vấn đề lớn, cũng như những thách thức đang đặt ra từ thực tiễn của sản xuất như: Tập trung phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương, Vùng và Quốc gia theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi giá trị sản phẩm và tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao trình độ công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; ứng dụng công nghệ trong phòng chống thiên tai: lũ lụt, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh,.. Tại các địa phương đã triển khai 2.104 nhiệm vụ KH&CN, các nhiệm vụ tập trung ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế trực tiếp cũng như thúc đẩy hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Nổi bật trong các lĩnh vực sau:
Về lĩnh vực khoa học nông nghiệp, đây là lĩnh vực chiếm tỷ lệ nghiên cứu, ứng dụng lớn nhất của hầu hết địa phương, kết quả của ngành nông nghiệp đều có sự đóng góp của KH&CN thông qua việc khuyến khích phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất. Năm 2021, xuất khẩu nông sản của Việt Nam ước đạt 47 tỷ USD. Theo báo cáo địa phương, sản lượng vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang tiêu thụ và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Đức… cao nhất từ trước đến nay. Đã sản xuất Na Chi Lăng, Hữu Lũng tại Lạng Sơn với diện tích trên 3.500ha, trong đó hơn 400ha Na được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tổng giá trị sản xuất ước đạt 1.200 tỷ đồng. KH&CN đã tập trung vào một số lĩnh vực mũi nhọn như thuỷ - hải sản; nghiên cứu ứng dụng cơ khí hoá, tự động hoá, công nghệ sinh học vào bảo quản, chế biến, chăn nuôi, trồng trọt theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, quy mô công nghiệp và trang trại. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị kinh tế lớn như: khảo nghiệm các giống cây; phục tráng và chuyển giao thành công quy trình kỹ thuật canh tác và giống lúa Khẩu Hốc siêu nguyên chủng; chọn tạo được bộ giống lúa chất lượng cao phục vụ gieo trồng; làm chủ công nghệ sản xuất giống tôm chất lượng cao có khả năng kháng 5 loại bệnh nguy hiểm; làm chủ được công nghệ nuôi cá tra tạo ra năng suất trung bình khoảng 300 tấn cá tra/ha…
Về lĩnh vực khoa học y - dược, được quan tâm đầu tư tập trung nghiên cứu dược liệu, phát triển y học cổ truyền, đề xuất chuyển giao ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh y tế cộng đồng…
Trong công tác phòng chống dịch COVID-19, KH&CN đã thể hiện rõ vai trò trong phòng chống dịch như: Xây dựng, triển khai Bản đồ số tổng hợp số liệu về dịch COIVD-19; chuyển giao ứng dụng công nghệ GIS để quản lý dịch bệnh Covid-19; ứng dụng công nghệ sản xuất dung dịch sát khuẩn hoạt hóa điện hóa Anolyte dùng để xịt, súc miệng, họng và sản xuất dung dịch nước rửa tay khô dùng để làm sạch tay, sát khuẩn nhanh hỗ trợ cho các khu cách ly tập trung, các chốt kiểm dịch và các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19…
Các hoạt động quản lý nhà nước trên lĩnh vực KH&CN cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận và được thể hiện qua các con số cụ thể: 1.097 tiêu chuẩn, quy chuẩn được công bố áp dụng tại địa phương; 1.209.760 phương tiện đo được kiểm định nhà nước; 5.511 doanh nghiệp, đơn vị hành chính áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; 6.319 đơn đăng ký quyền SHTT được nộp, 4032 văn bằng bảo hộ được cấp, 4.384 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được công nhận, 144 sáng kiến, cải tiến được ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển; 1.003 dự án đầu tư được thẩm định công nghệ, 53 hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết, 14 công nghệ được giám định, 236 công nghệ được đánh giá; 1.229 cơ sở đủ tiêu chuẩn an toàn bức xạ được cấp phép hoạt động, 6.255 thiết bị bức xạ mới được lắp đặt, 176 thiết bị được gắn chip…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH,CN&ĐMST tại các địa phương vẫn tồn tại những hạn chế như: nguồn kinh phí chi cho KH&CN còn thiếu, chưa có cơ chế đột phá khơi thông và huy động các nguồn lực đầu tư cho KH,CN&ĐMST; nguồn nhân lực địa phương chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN tuy đã tập trung hơn vào việc phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm lợi thế của địa phương theo chuỗi giá trị, song việc tổ chức triển khai vẫn còn dàn trải, manh mún, chưa tạo được các đột phá lớn…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trình bày tham luận về: Triển khai xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương; Hướng dẫn xây dựng kế hoạch KH,CN&ĐMST năm 2023; Triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 và những nội dung chính sửa đổi Luật SHTT sẽ báo cáo thông qua vào Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa 14; Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu KH,CN&ĐMST tại các địa phương hướng tới chuyển đổi số; Hoạt động KH,CN&ĐMST thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn một số tỉnh,… Đồng thời trao đổi, thảo luận về các giải pháp để triển khai hiệu quả hoạt động KH,CN&ĐMST trong kế hoạch năm 2022 và định hướng cho những năm tiếp theo.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực và các kết quả mà toàn ngành đã đạt được trong năm 2021 nhiều khó khăn vừa qua. Bộ trưởng đề nghị các đồng chí Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động nghiên cứu, tiếp tục trao đổi, hướng dẫn địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, lắng nghe ý kiến của địa phương, tham mưu đề xuất cho Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng lưu ý, năm 2022 được Đại Hội đồng Liên Hợp quốc chọn là Năm quốc tế khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững và cũng là năm đầu tiên Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&CN tổ chức hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới (21/4). Do đó các Sở KH&CN cần quan tâm đến hai sự kiện này, chủ trì tổ chức các hoạt động tại địa phương, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm./.