Ngày 27/12/2021, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ban hành Công văn số 3840/TĐC-ĐL về việc Kỷ niệm ngày Đo lường Việt Nam năm 2022

Ngày 20 tháng 01 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 08/SL về đo lường. Đây là dấu mốc quan trọng cho hoạt động đo lường của nước ta. Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định lấy ngày 20/01 hàng năm là “Ngày Đo lường Việt Nam” nhằm động viên, đánh giá công sức của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các nhà khoa học đã và đang công tác, hoạt động trong lĩnh vực đo lường.

Nhằm đề cao ý nghĩa nêu trên, hàng năm Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục) tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Đo lường Việt Nam với mục đích tôn vinh, động viên khuyến khích các cán bộ làm đo lường và thúc đẩy hơn nữa hoạt động đo lường trong toàn xã hội để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cũng như hội nhập quốc tế về đo lường được đông đảo cơ quan, tổ chức, cá nhân hưởng ứng.

    Ảnh minh họa.

Chào mừng ngày Đo lường Việt Nam năm 2022, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Điện Biên tuyên truyền, phổ biến đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh về: ý nghĩa của công tác Đo lường Chất lượng và Ngày Đo lường Việt Nam 20/01/2022; hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (04/4/1962 – 04/4/2022);

Ngày 09/12/2021 Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Điện Biên phối hợp với Trung tâm đào tạo nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến “ Tổng quan về Đề án 996 và hoạt động đo lường tại doanh nghiệp”. Tại Hội nghị, chuyên gia đo lường của Trung tâm đào tạo nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ông Trần Khắc Điền – nguyên vụ trưởng vụ đo lường đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của đo lường trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, phổ biến các nội dung liên quan đến việc xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ KH&CN.

Việc xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Chương trình đảm bảo đo lường sẽ mang lại cho doanh nghiệp 03 hiệu quả sau đây:

Thứ nhất, hiệu quả kinh tế làm giảm tổn thất kinh tế của doanh nghiệp do rà soát, hoàn thiện, loại trừ, khắc phục các hạn chế, tồn tại trong thực hiện việc kiểm định, hiệu chuẩn, sử dụng chuẩn đo lường, phương tiện, thiết bị đo, thử nghiệm, kiểm tra và việc thực hiện các phương pháp đo, thử nghiệm, kiểm tra hiện đang áp dụng; giảm chi phí nghiên cứu và vận hành quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do đổi mới, áp dụng phương pháp đo mới, sử dụng chuẩn đo lường, phương tiện, thiết bị đo, thử nghiệm, kiểm tra mới có chất lượng và công nghệ cao hơn; đánh giá mức độ tiết kiệm nguyên vật liệu, nhiên liệu, nhân công, giảm thất thoát, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ; tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Thứ hai, hiệu quả xã hội được thực hiện thông qua mức độ tăng cường kiểm soát phát thải ra môi trường; bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thứ ba, mức độ tăng cường hội nhập được thực hiện thông qua mức độ nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tham gia chuỗi cung cấp sản phẩm, hàng hóa toàn cầu.

Đại diện các doanh nghiệp tham gia hội nghị đều nhất trí với việc xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường sẽ là công cụ quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh Điện Biên nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay./.

Chi cục TCĐLCL


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 533.305
      Online: 4