Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý điều hành, giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính, phát triển sản xuất… mang lại hiệu quả cao trong công việc đang là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ 4.0. Việc ứng dụng chuyển đổi số đã và đang được khẳng định và đạt nhiều kết quả tích cực tại Điện Biên trong thời gian qua.
Đoàn công tác tỉnh Điện Biên tham quan thực tế mô hình Đô thị thông minh tại Trung tâm giám sát, điều hành Đô thị thông minh, tại Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế.
Để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều Nghị quyết, phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Điện Biên, Nghị quyết của Tỉnh ủy, đề án, kế hoạch của UBND tỉnh ban hành đã xác định được tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện chuyển đổi số tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, nhất là trong quý I/2023 tỉnh đã khai trương 2 hệ thống họp không giấy, hệ thống thông tin phản ánh hiện trường, hệ thống giám sát thông tin trên môi trường mạng thuộc Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh Điện Biên (IOC).
Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 1884/KH-BCĐ về hoạt động của Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh năm 2023, trong đó đề ra các mục tiêu quan trọng, các nhiệm vụ trọng tâm tập trung triển khai năm dữ liệu số quốc gia: Phát triển cơ sở dữ liệu; Phát triển dữ liệu mở; Triển khai các nền tảng số dùng chung toàn tỉnh; Triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử; Nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị và các Thành viên Ban chỉ đạo về chuyển đổi số của tỉnh. Hiện, tỉnh đã ban hành chương trình, kế hoạch, các văn bản chỉ đạo nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh.
Thực hiện Đề án 06 về dịch vụ công và các nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đến nay, tỉnh Điện Biên đã triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06, trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết trên môi trường trực tuyến đạt khoảng 91,7% (trực tuyến 113.796/124.087 hồ sơ). Thường xuyên cập nhật, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” đối với 656.779 dữ liệu dân cư phục vụ khai thác, xác thực thông tin công dân; trang bị 173 thiết bị đọc mã QR trên thẻ CCCD cho 139 Cơ sở y tế đạt 100% phục vụ hiệu quả công tác khám chữa bệnh BHYT.
Tổ chức cấp tài khoản Ngân hàng cho đối tượng an sinh xã hội đạt 34,3% (12.163/35.470 đối tượng), tiến hành chi trả không dùng tiền mặt đạt 26,1% (9.240 đối tượng). Chi trả chế độ chính sách hỗ trợ bằng hình thức không dùng tiền mặt cho 57.086 học sinh, đạt 31,4%. Về nhóm phục vụ phát triển công dân số, đến ngày 29/5/2023, toàn tỉnh đã thu nhận hồ sơ Căn cước công dân đạt 100%.
Hội nghị giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tính đến trung tuần tháng 7/2023, toàn tỉnh thu nhận 332.742 hồ sơ định danh điện tử (đạt 73,53%), kích hoạt 241.460 tài khoản (đạt 54%). Làm sạch dữ liệu khách hàng, chuẩn hóa thông tin cho 56.689 thuê bao di động; cấp 34.417 tài khoản Ngân hàng miễn phí cho công dân phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, cơ bản hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối; hoàn thành việc thu nhận 100% cấp thẻ căn cước công dân đối với công dân đủ điều kiện, hoàn thành sớm hơn 64 ngày so với kế hoạch của Bộ Công an giao; 100% các cơ quan Nhà nước các cấp đã thực hiện việc gửi nhận văn bản điện tử ký số.
Bên cạnh đó, có 55 doanh nghiệp công nghệ số (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin), 26 doanh nghiệp nền tảng số; 738 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 66,3%, trong đó có gần 200 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số để chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh (trên cổng SMEdx https://smedx.mic.gov.vn). Số lượng doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đạt 97,9%.
Để thực hiện việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều đột phá, đạt hiệu quả cao, trung tuần tháng 7, cơ quan Thường trực và các ngành thành viên Đề án 06 tỉnh Điện Biên do đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm việc triển khai thực hiện các thủ tục hành chính qua Dịch vụ công tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh, Công an tỉnh và triển khai vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Thừa Thiên Huế; tham quan, học tập việc triển khai thực hiện số hóa, làm sạch, đồng bộ dữ liệu chuyên ngành phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu các ngành có liên quan... Tại buổi trao đổi kinh nghiệm hai bên đã chia sẻ về một số nội dung liên quan đến việc bố trí nguồn lực để thực hiện Đề án 06; kinh nghiệm triển khai làm sạch dữ liệu trẻ em; triển khai thực hiện chữ ký số; các cơ chế, chính sách đặc thù; chi trả không dùng tiền mặt đối với đối tượng bảo trợ xã hội, người có công...
Đồng thời, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh tổ chức hội nghị giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hội nghị đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham dự./.