Xác định Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, trong thời gian qua tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án; đồng thời tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho Chuyển đổi số như: Nghị quyết 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án Chuyển đổi số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Chỉ thị về phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số. Nghị quyết của Tỉnh ủy, Đề án của UBND tỉnh ban hành đã xác định tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện chuyển đổi số dựa trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Ngày 21/4/2023, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Điện Biên (IOC) đã được khai trương và đi vào hoạt động.
Việc xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số nhằm chuyển đổi hoạt động quản lý điều hành của chính quyền dựa trên cơ sở dữ liệu và công nghệ số, tạo cơ sở xây dựng nền hành chính hiện đại, đổi mới phương thức phục vụ, bảo đảm gắn kết ứng dụng số với cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong thời gian qua, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả như: Trong năm 2022 và Quý I năm 2023, UBND tỉnh cũng đã ban hành gần 30 Quyết định, kế hoạch, văn bản chỉ đạo nhằm thúc đẩy Chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số của tỉnh như: Chỉ thị 06/CT-UBND ngày 03/06/2022 phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Quyết định số 2001/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Xác định Bộ chỉ số đánh giá Chuyển đổi số của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh”; Kế hoạch triển khai Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số; Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 – 2025.
Hạ tầng, nền tảng số được xây dựng, củng cố. Hiện nay, tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức trong cơ quan Nhà nước các cấp đạt 100%; 100% cơ quan kết nối mạng TSLCD của các cơ quan Đảng, Nhà nước; Sóng thông tin di động (3G, 4G) đã phủ đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và 94,5% khu vực có dân cư sinh sống; Tổng số thuê bao Internet băng rộng đạt hơn 57.000 thuê bao (đạt 42% hộ gia đình có kết nối Internet). Xây dựng nền tảng công nghệ thành phố thông minh bao gồm các Hệ thống IOC, Hệ thống thông tin phản ánh hiện trường, Hệ thống giám sát thông tin trên môi trường mạng, ứng dụng Điện Biên Smart, Phần mềm quản lý Camera đã tích hợp được 61 camera an ninh trên 4 huyện (Tủa Chùa, Mường Ảng, Mường Nhé, Điện Biên Đông).
Kinh tế số tiếp tục tăng trưởng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 35 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, trong đó có 11 doanh nghiệp nền tảng số. 738 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 66,3%. Số lượng doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đạt 97,9%. Xã hội số được quan tâm phát triển để người dân được thụ hưởng ngày càng nhiều dịch vụ số. Toàn tỉnh hiện đã thành lập 129 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, 1.387 tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp thôn, bản với hơn 9.000 thành viên.
Đồng chí, Vũ Anh Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Điện Biên cho biết: “Với vai trò cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Điện Biên, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2158/KH-UBND về phát động và tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Chuyển đổi số giai đoạn 2023 -2030” trên địa bàn tỉnh Điện Biên, với chủ đề thi đua “Tỉnh Điện Biên thi đua xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số góp phần phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”.
Mục tiêu chung của kế hoạch trên nhằm từng bước đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, phục vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội dựa trên công nghệ số; phát triển chính quyền số, kinh tế số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Sử dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Thông qua phong trào thi đua kịp thời phát hiện, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình chuyển đổi số của tỉnh; phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay trong phong trào thi đua Chuyển đổi số nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn tỉnh. Thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị Quyết số 13-NQ/TU ngày 01/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Tỉnh ủy đề ra./.