Xác định chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng, thay đổi toàn diện phương thức quản lý của cả hệ thống chính trị, mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống xã hội của người dân; trong thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung thúc đẩy nâng cao chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội được thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành các văn bản chỉ đạo, Kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh, cũng như giao chỉ tiêu, nhiệm vụ, đầu mối chủ trì và thời gian hoàn thành cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, như: Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND ngày 10/02/2022 ban hành Quy chế hoạt động của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh Điện Biên; Quyết định số 447/QĐ-UBND ngày 21/3/2023 phê duyệt cấp độ và phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin đối với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; Kế hoạch hành động số 1113/KH-UBND ngày 31/3/2023 nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh... Đồng thời, chỉ đạo tiếp tục việc đẩy mạnh thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ triển khai dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm cá nhân, tổ chức không phải hiện diện tại cơ quan nhà nước nếu pháp luật không quy định.

Nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh trên cơ sở hợp nhất giữa Cổng dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh để tiếp nhận, giải quyết, theo dõi, đánh giá chất lượng thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã. Hệ thống được Bộ Công an (A05, A06) đánh giá và được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đáp ứng các yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật được quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BTTTT ngày 31/12/2019, Công văn số 1552/BTTTT-THH ngày 26/4/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn kỹ thuật về triển khai các thành phần công nghệ thông tin thiết yếu phục vụ Đề án 06; cung cấp chức năng ký số từ xa cho phép người dân sử dụng chữ ký số cá nhân để ký biểu mẫu điện tử trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Hiện tại, Hệ thống giải quyết TTHC đang cung cấp 1.774 thủ tục được đồng bộ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, trong đó 100% TTHC đủ điều kiện và có phát sinh hồ sơ được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Hệ thống của tỉnh và tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có 08 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi giải quyết công việc, tăng tính công khai, minh bạch. 100% hồ sơ TTHC do các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã tiếp nhận, giải quyết được thực hiện qua Hệ thống (trừ những TTHC, dịch vụ công trực tuyến đang sử dụng trên các phần mềm, hệ thống của các Bộ, ngành Trung ương); 100% hồ sơ TTHC được công khai trên Hệ thống của tỉnh và được đồng bộ, công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin về hồ sơ trên Hệ thống, nhận thông báo trạng thái xử lý hồ sơ điện tử qua thư điện tử và kênh zalo hành chính công của tỉnh Điện Biên. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 75%.

Đồng thời, Hệ thống đã kết nối, tích hợp dùng chung với Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia và các Hệ thống, Cơ sở dữ liệu quốc gia như: Cơ sở dữ liệu quốc gia quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu quốc gia quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Cơ sở dữ liệu quốc gia quốc gia về bảo hiểm (Bảo hiểm xã hội Việt Nam); Hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung; Hệ thống thông tin quản lý Hộ tịch (Bộ Tư pháp), Hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách (Bộ Tài Chính), Hệ thống phục vụ dịch vụ công của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Hệ thống dịch vụ công tập trung của Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;... để khai thác thông tin, liên thông, đồng bộ hồ sơ, trạng thái xử lý, trả kết quả hồ sơ giải quyết TTHC. Ngoài ra, Hệ thống được kết nối, tích hợp, đồng bộ đầy đủ, chính xác, thường xuyên, liên tục với Cổng Dịch vụ công Quốc gia để phục vụ đánh giá theo thời gian thực trên Hệ thống đánh giá về Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công và Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp, sử dụng dịch vụ Chính phủ số của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cùng với đó, để bảo đảm phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tỉnh đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Tổ công nghệ số cộng đồng; phát động phong trào thi đua hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số cho người dân, tổ chức; cung cấp các kênh tương tác, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (Ví dụ như thông tin hướng dẫn thủ tục hành chính, Hỏi-Đáp, câu hỏi thường gặp, Phản ánh, kiến nghị, Khảo sát, đánh giá sự hài lòng, triển khai thử nghiệm trợ lý ảo trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh).

Đ/c Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Điện Biên chủ trì hội nghị.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính,giải quyết TTHC trong thời gian qua đã giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng hơn, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thúc đẩy nâng cao chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định:

Trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ cho chuyển đổi số, số hóa kết quả giải quyết TTHC còn thiếu, chưa đồng bộ; nhiều khu vực dân cư sinh sống chưa được phủ sóng thông tin di động 3G/4G, dịch vụ internet băng rộng cố định. Người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa còn thiếu thiết bị thông minh kết nối internet; chưa có tài khoản thanh toán điện tử, chưa có kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh, thanh toán qua tài khoản thanh toán điện tử. Tỷ lệ người dân có chữ ký số còn thấp không đảm bảo điều kiện để nộp hồ sơ trực tuyến.

Một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn e dè, chưa chủ động khai thác ứng dụng các tiện ích của chính quyền số, chuyển đổi số, dịch vụ đô thị thông minh, trong đó có dịch vụ công trực tuyến. Thói quen dùng tiền mặt của người dân chưa thay đổi và ngại tiếp cận các sản phẩm dịch vụ hiện đại; tâm lý về vấn đề đảm bảo an ninh an toàn khi thanh toán điện tử, nhất là bộ phận dân cư tại địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nhiều thủ tục hành chính trình tự thực hiện, thành phần hồ sơ phức tạp, khó triển khai trên hệ thống điện tử.

Công tác thông tin, tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến đã tích cực, đa dạng nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Nhiều người dân, tổ chức còn chưa biết, chưa tin tưởng sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tổ công nghệ số cộng đồng chưa thực sự phát huy tối đa vai trò trong việc hướng dẫn người dân tạo tài khoản, sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa cao.Chưa có chính sách khuyến khích người dân, tổ chức thực hiện giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến.

Để tiếp tục giữ vững và phát huy những kết quả đạt được, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu về chuyển đổi số trong cải cách hành chính, giải quyết TTHC từng bước hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể:

Một là: Tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách của tỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn các Bộ, ngành Trung ương về đẩy mạnh chuyển đổi số gắn liền với cải cách hành chính, đặc biệt là thúc đẩy nâng cao chất lượng cung cấp và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.  

Hai là: Thường xuyên rà soát, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đáp ứng các yêu cầu kết nối, khai thác các Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin của các Bộ, ngành để giảm giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh.

Ba là: Tập trung triển khai xây dựng và chia sẻ các các cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh. Ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để duy trì, xây dựng các hệ thống thông tin, công tác đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu cũng như công tác chuyển đổi số của tỉnh nói chung.

Bốn là: Đẩy mạnh, tập trung hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 như: Công tác làm sạch dữ liệu dân cư, thu nhận hồ sơ căn cước công dân, định danh điện tử, đảm bảo 100% công dân trong độ tuổi theo quy định được cấp CCCD, định danh điện tử; xây dựng hệ sinh thái, dữ liệu dùng chung.

Năm là: Đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hạ tầng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả  kết quả các cấp, Tổ công nghệ số cộng đồng. Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp trong việc tích cực sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh./.

 

Sở Thông tin và Truyền thông


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 818.979
      Online: 12