Sáng ngày 11/5/2023, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến phân tích kết quả chỉ số CCHC (Par Index), chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Sipas) tỉnh Điện Biên; Công bố kết quả Chỉ số CCHC của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2022.
Chủ trì tại điểm cầu UBND tỉnh Điện Biên có các đồng chí: Trần Quốc Cường - Bí thư Tỉnh ủy; Lê Thành Đô - PBT Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC); Phạm Đức Toàn, Uỷ viên BTV Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Các đồng chí: Giàng Thị Hoa, Uỷ viên BTV Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại điện lãnh đạo các sở, ngành, UBND huyện, thị, thành phố; công chức đầu mối các sở, ban, ngành tham dự tại điểm cầu tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị.
Hội nghị đã nghe Báo cáo tóm tắt kết quả chỉ số CCHC (Par Inder) của tỉnh, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Sipas) tỉnh (do Bộ Nội vụ khảo sát) và kết quả Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), cho thấy: Năm 2022, chỉ số Par Index của tỉnh Điện Biên đạt 86,30/100 điểm, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 2 bậc so với năm 2021. Kết quả đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Sipas) năm 2022 của tỉnh đạt 78,63% đứng thứ 39/63 tỉnh. Mức độ hài lòng của người dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công năm 2022 của tỉnh đạt 78,96%, mức độ hài lòng trong khoảng 75,11% - 82,30% - đạt mức Khá trở lên, tuy nhiên, kết quả Sipas 2022 cũng cho thấy một số tồn tại, hạn chế trong việc cung ứng dịch vụ hành chính công, phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan hành chính nhà nước trong năm 2022.
Đối với chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Điện Biên đạt 39,67/80 điểm, tăng 2,45 điểm, xếp vị trí thứ 59 cả nước, tăng 2 bậc so với năm 2021. Chỉ số PAPI được đánh giá với 8 trục nội dung, trong đó năm 2022 có 7/8 trục nội dung tăng điểm so với năm 2021, đó là: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử. Riêng trục nội dung “Thủ tục hành chính công” giảm 0,1 điểm so với năm 2021.
Tại Quyết định số 791/QĐ-UBND ngày 10/5/2023 của UBND tỉnh Điện Biên Phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Sở Khoa học và Công nghệ xếp vị trí thứ 7/19 sở, ngành tăng 2 bậc so với năm 2021. Để đạt được thành quả đó là sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của Ban lãnh đạo Sở và sự đồng lòng, trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức tại đơn vị.
Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022.
Đây là năm tỉnh Điện Biên có chỉ số CCHC đạt vị trí xếp hạng cao nhất, đồng thời là năm thứ 6 liên tiếp giữ ổn định ở thứ hạng khá. Chỉ số CCHC, chỉ số Sipas của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện đều đạt mức khá và tăng điểm so với năm 2021; dần thay đổi tư duy từ nền “hành chính quản lý” sang “hành chính phục vụ”, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường đánh giá cao và biểu dương những đơn vị đã thực hiện tốt công tác CCHC trong năm 2022 và nhấn mạnh: CCHC là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm xây dựng nền hành chính năng động, hiện đại, theo hướng phục vụ người dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; là động lực, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới. Đồng chí đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã thành phố cần tiếp tục quán triệt chủ trương của Đảng, nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về CCHC; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 29/7/2021 của Tỉnh ủy về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Phấn đấu năm 2023, chỉ số Par Index, Sipas nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và tiếp tục cải thiện, nâng cao vị trí xếp hạng trong những năm tiếp theo; chỉ số PAPI phấn đấu nằm trong nhóm trung bình của cả nước.
Xác định nhiệm vụ CCHC, cải thiện và nâng cao các chỉ số là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cấp bách trong năm 2023 và những năm tiếp theo; sự hài lòng của người dân là thước đo chất lượng CCHC. Đẩy mạnh CCHC quyết liệt, đồng bộ, theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, có hiệu quả cao. Trong đó cần phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong CCHC của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, còn nhiều tiêu chí thành phần đạt điểm thấp...
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch CCHC năm 2023 và Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030, nâng cao kết quả hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương thời gian tới cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương với công tác CCHC, thực hiện có hiệu quả và thực chất việc gắn kết quả CCHC với công tác đánh giá, xếp loại, quy hoạch, bổ nhiệm, thi đua, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân người đứng đầu và CBCC có liên quan tại từng đơn vị, địa phương.
Đề xuất các giải pháp tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả CCHC, nhất là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” về hoàn thiện thể chế; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC nói chung, các TTHC nội bộ nói riêng, kịp thời kiến nghị sửa đổi những quy định chưa phù hợp, chưa sát với thực tế, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ các dịch vụ công trực tuyến; bổ sung trang thiết bị và nguồn lực cần thiết, có các giải pháp cụ thể để triển khai có hiệu quả 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.
Tăng cường và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC cho cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao, sự chung tay của cán bộ, công chức, viên chức và toàn xã hội trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Đề cao vai trò tiên phong, nêu gương của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức trên địa bàn và CBCCVC trong thực hiện các mục tiêu CCHC do tỉnh đề ra...
Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 02 tập thể và 05 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong tham mưu, tổ chức triển khai, thực hiện công tác CCHC năm 2022.