Hiện nay tại Điện Biên, trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao chưa được hợp tác xã hay cá nhân nào thực hiện, do nông dân chưa có kiến thức về khoa học kỹ thuật để canh tác. Để người dân có kiến thức thực tế, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Điện Biên đã thực hiện mô hình trồng dưa lưới, áp dụng công nghệ cao.

Qua khảo sát thị trường, nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn. Việc xây dựng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đang được nông dân quan tâm. 

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao

Nhưng cả tỉnh Điện Biên hiện nay chưa có tổ chức, cá nhân nào thực hiện. Các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đều phải nhập từ các tỉnh đồng bằng với giá rất cao. Trong khi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Điện Biên rất tốt để thực hiện trồng các loại dưa, rau quả…

Điện Biên: Trồng dưa trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả gấp 3 lần - Ảnh 2.

Mô hình dưa lưới được Sở Khoa học Công nghệ Điện Biên thực hiện trồng thí điểm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh Vinh Duy.

Theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Điện Biên: "Cái thiếu của nông dân hiện nay chính là kiến thức về khoa học kỹ thuật. Nông dân có thể bỏ tiền đầu tư nhà lưới để sản xuất nông nghiệp, nhưng họ vẫn chưa đủ tự tin vì thiếu quy trình sản xuất. 

Sau nhiều lần khảo sát, chúng tôi đã thực hiện mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao. Sau khi thực hiện sẽ chuyển giao công nghệ cho các đơn vị như Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện để giới thiệu cho nông dân trong toàn tỉnh. 

Góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen, tập quán canh tác của nông dân từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch gắn với nhu cầu của thị trường.".

Điện Biên: Trồng dưa trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả gấp 3 lần - Ảnh 3.

Sau khi thực hiện thành công mô hình, Sở Khoa học Công nghệ sẽ chuyển giao kỹ thuật cho các đơn vị để nông dân áp dụng vào sản xuất. Ảnh Vinh Duy.

Triển khai mô hình, Sở Khoa học Công nghệ đã giao cho Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao. 

Trung tâm đã lựa chọn giống dưa lưới Ichiba của Nhật Bản để trồng thử nghiệm. Bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dân đã đến học tập kinh nghiệm, tiếp thu kiến thức.

Dưa lưới Ichiba của Nhật Bản là cây trồng ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giá bán loại dưa này trên thị trường rất cao và ổn định. Năng suất canh tác trên một đơn vị diện tích trong nhà màng cao hơn nhiều so với trồng theo phương pháp truyền thống. 

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, khi trồng trong nhà màng thì sẽ hạn chế được sâu bệnh gây hại. Vì các cây trồng thuộc họ dưa thường rất dễ bị sâu bệnh khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi. 

Nếu trồng theo kiểu truyền thống thì rất khó kiểm soát được sâu bệnh hại và tốn kém chi phí đầu tư thuốc bảo vệ thực vật để phòng, trừ. Bên cạnh đó, cây dưa lưới chỉ phù hợp vào mùa khô, còn mùa mưa thì không thuận lợi do dưa bị úng nước. 

Tuy nhiên, khi trồng trong nhà màng sẽ khắc phục được nhược điểm này vì chủ động được lượng nước tưới cho dưa, không quá lệ thuộc vào tự nhiên. Do đó, đảm bảo quá trình sản xuất được liên tục, không theo mùa vụ như lối canh tác truyền thống.

Điện Biên: Trồng dưa trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả gấp 3 lần - Ảnh 4.

Mô hình dưa lưới đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn 3 lần so với cách trồng dưa truyền thống. Ảnh Vinh Duy.

"Nhà khoa học" ở Điện Biên tạo mô hình chuẩn

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng cho biết thêm: "Trung tâm được Sở Khoa học giao cho xây dựng mô hình trồng dưa lê, dưa lưới Ichiba của Nhật Bản trong nhà màng áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Isarel. 

Trung tâm đang thực hiện tại xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, với quy mô nhà màng 1.000 m2. Sau 2 năm triển khai thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. 

Quy trình canh tác chủ động gần như hoàn toàn về thời tiết khí hậu, phòng ngừa sâu bệnh hại, chất lượng sản phẩm đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGap".

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, ưu điểm của nhà lưới, nhà màng là được thiết kế vật liệu bằng khung thép chịu lực, dễ tháo lắp. Phía trên phủ lớp màng dày, xung quanh có lưới chắn côn trùng và hệ thống màng lưu động có thể đóng mở tùy điều kiện thời tiết. 

Hệ thống tưới phun tự động đảm bảo môi trường lý tưởng, cũng như chất dinh dưỡng cho cây phát triển. Canh tác trong nhà lưới, nhà màng áp dụng công nghệ cao là hướng sản xuất cho chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với canh tác truyền thống. Mở ra triển vọng cho sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn.

Điện Biên: Trồng dưa trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả gấp 3 lần - Ảnh 5.

Dưa lưới Ichiba của Nhật Bản và dưa Thiên Nữ của Đài Loan. Thời gian sinh trưởng của cây từ khi trồng cho đến khi thu hoạch khoảng 75 đến 90 ngày, trong một năm có thể trồng 3 vụ. Ảnh VInh Duy.

"Trung tâm hiện đang trồng 2.300 gốc dưa lưới Ichiba của Nhật Bản và dưa Thiên Nữ của Đài Loan. Thời gian sinh trưởng của cây từ khi trồng cho đến khi thu hoạch khoảng 75 đến 90 ngày, trong một năm có thể trồng 3 vụ dưa. Trọng lượng quả từ 1,2 đến 1,5kg, tổng năng suất đạt khoảng 3,2 tấn dưa, giá bán thị trường hiện nay từ 55 đến 60 nghìn đồng/kg. Qua hạch toán, lợi nhuận hằng năm mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có thể đem lại khoảng 600 triệu đồng/năm khi trồng đủ 3 vụ" chị Hằng cho biết thêm.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, chất lượng cao chính là mục tiêu mà Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ hướng đến khi hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xây dựng các mô hình, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp Điện Biên.

https://danviet.vn/


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 885.025
      Online: 228