ĐBP - Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 595/QĐ-UBND ngày 28/4/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2016 - 2020 tại Điện Biên, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện kế hoạch và đạt được một số kết quả nhất định như: Giúp người dân nâng cao nhận thức trong sản xuất bền vững, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giảm lượng giống và nước tưới, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản...
Mô hình sản xuất ngô lai NK7328 vụ hè thu 2020 do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông thực hiện tại bản Tìa Mùng A, xã Noong U, giúp bà con thay đổi trong tư duy, chọn giống, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng.
Bài 1: Tăng hiệu quả kinh tế nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật
Trình độ dân trí người dân ở vùng cao Điện Biên Đông không đồng đều, đặc biệt là phương thức canh tác truyền thống từ bao đời đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Với cách làm “cầm tay chỉ việc”, trực tiếp hướng dẫn trên đồng ruộng của cán bộ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông đã giúp người dân dần thay đổi tư duy, lựa chọn giống cây trồng có năng suất, sản lượng cao, tăng thu nhập trên một diện tích đất canh tác.
Ông Hoàng Công Chính, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông, cho biết: Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn bởi nguyên nhân chủ yếu là việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất còn hạn chế do trình độ dân trí không đồng đều; việc đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất chưa được người dân quan tâm. Cùng với đó là những thay đổi bất thường của thời tiết, sinh vật gây hại diễn biến phức tạp… cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất, hiệu quả sản xuất trong trồng trọt. Giúp người dân nắm bắt tiến bộ KHKT, biết áp dụng vào canh tác sản xuất, chăn nuôi, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế, giúp nông dân tiếp cận và áp dụng các biện pháp KHKT, làm chủ khoa học. Trung tâm tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ lựa chọn các giống cây trồng hiệu quả, các mô hình sản xuất có thu nhập cao để bà con học hỏi, làm theo và nhân rộng. Phối hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để người nông dân nắm được các kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa cây, con giống mới năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào canh tác, chăn nuôi. Từng bước thay đổi thói quen, phương thức canh tác truyền thống, chuyển dần sang sản xuất tập trung, tạo sản phẩm có năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chuyển giao KHKT theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, tại những nơi mô hình do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai đều đem lại kết quả khả quan, được bà con đón nhận, duy trì và nhân rộng.
Nói về mô hình trình diễn áp dụng tiến bộ kỹ thuật bón phân hữu cơ trong sản xuất lúa vụ đông xuân 2020 - 2021 vừa kết thúc, ông Hoàng Công Chính thông tin, Trung tâm vừa triển khai thực hiện mô hình này bằng giống lúa ADI 168 tại các xã: Háng Lìa, Tìa Dình và xã Keo Lôm từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp với tổng số tiền hơn 1,13 tỷ đồng (trong đó, Nhà nước hỗ trợ trên 569,7 triệu đồng; nhân dân đóng góp 564 triệu đồng). Mô hình triển khai thực hiện trong 6 tháng (12/2020 - 6/2021) trên quy mô 28,2ha, thu hút 113 hộ tham gia. Giúp bà con thuận lợi, dễ dàng so sánh trong quá trình triển khai thực hiện, đơn vị đã phối hợp với UBND các xã khảo sát, lựa chọn ruộng đối chứng trong khu vực sản xuất, tiến hành cùng thời vụ gieo trồng, chỉ khác nhau về điều kiện canh tác và giống. Người dân tham gia mô hình được cán bộ kỹ thuật tổ chức tập huấn để nắm bắt được kỹ thuật sản xuất, như: thời vụ gieo trồng, kỹ thuật làm đất, gieo cấy, bón phân, phòng trừ sâu bệnh; cách chăm sóc và tỉa giặm; kỹ thuật… Các hộ tham gia còn được Nhà nước hỗ trợ 100% định mức mô hình về giống lúa ADI 168; phân hữu cơ JAPADI; phân thúc NPK 8-3-8+TE; phân tổng hợp NK 12-12+18S; thuốc đạo ôn Beam 75WP và thuốc trừ cỏ SotraFix 300EC. Quá trình thực hiện, cán bộ kỹ thuật thường xuyên xuống ruộng cùng bà con thăm đồng, kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa cũng như hướng dẫn các biện pháp sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp, đảm bảo liều lượng… Với cách làm này nên kết thúc mô hình, hiệu quả đạt được rất khả quan. Năng suất thực thu của mô hình tại xã Tìa Dình đạt 56 tạ/ha (tăng 16 tạ/ha); năng suất mô hình tại xã Keo Lôm đạt 70 tạ/ha (tăng 18 tạ/ha) và tại xã Háng Lìa năng suất mô hình đạt 68 tạ/ha (tăng 18 tạ/ha so với năng suất ruộng đối chứng gieo cấy thông thường). Tính trung bình nông dân tăng thêm lợi nhuận hơn 15,8 triệu đồng/ha so với phương pháp canh tác truyền thống. Không chỉ giúp nông dân thấy rõ hiệu quả của các mô hình sản xuất khi áp dụng KHKT mà bà con còn nắm vững các bước kỹ thuật trong sản xuất lúa nước, gieo trồng đúng khung lịch thời vụ; biết được lợi ích khi sử dụng phân bón hữu cơ, biết lựa chọn và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, giảm công chăm sóc…
Tại xã Nong U sau khi thấy được hiệu quả mô hình sản xuất ngô lai NK7328 vụ hè thu 2020 tại bản Tìa Mùng A do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Điện Biên Đông thực hiện thì bà con nông dân đều phấn khởi và đề nghị được triển khai nhân rộng. Anh Quàng Hồng Chương, cán bộ kỹ thuật trực tiếp triển khai thực hiện mô hình, cho biết: Năng suất ngô trung bình của xã đạt thấp (từ 25 - 35 tạ/ha) do người dân chưa áp dụng đúng KHKT, thiếu vốn đầu tư để thâm canh tăng năng suất. Trong khi giống đưa vào gieo trồng là các giống địa phương dài ngày, gieo trồng nhiều hạt/hốc (3 - 4 hạt), chưa chú trọng việc phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng. Chính vì vậy khi mô hình được triển khai thực hiện với giống ngô lai NK7328, quy mô 5ha với sự tham gia của 30 hộ đã giúp bà con từng bước nâng cao nhận thức trong việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Năng suất thực thu mô hình ngô lai đạt 65 tạ/ha (tăng 26,5 tạ/ha so với giống ngô địa phương bà con đang trồng). Trừ chi phí giống, phân bón, tiền công, thuốc bảo vệ thực vật…; bán với giá 4.000 đồng/kg; mỗi héc ta ngô lai thu về gần 16 triệu đồng.
Bằng nguồn vốn của Chương trình bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP và Nghị định 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ, từ năm 2020 đến nay Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Điện Biên Đông đã triển khai thực hiện 39 mô hình hỗ trợ người trồng lúa áp dụng giống lúa mới, tiến bộ kỹ thuật, bón phân hữu cơ kết hợp phân hóa học trong sản xuất lúa, với tổng kinh phí thực hiện hơn 8,8 tỷ đồng. Ngoài ra, Trung tâm còn ký hợp đồng với Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Điện Biên chuyển giao quy trình KHKT, phối hợp thực hiện 5 mô hình trồng ngô, lúa Bắc thơm số 7, trồng và chăm sóc cây lê vàng tại các xã: Phì Nhừ, Pu Nhi và Háng Lìa với tổng kinh phí thực hiện gần 277,6 triệu đồng.
Bài 2: Duy trì và nhân rộng sản xuất bền vững