Tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số từ xa vào Cổng dịch vụ công của các tỉnh, thành phố là một trong những nội dung đã và đang được Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia - NEAC cùng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số (CA) công cộng phối hợp với các địa phương triển khai. Việc này tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, qua đó góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số tại các địa phương.

Theo thống kê của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia NEAC, trong khi 100% doanh nghiệp đã sử dụng chữ ký số với các giao dịch chủ yếu là kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội…, thì tỷ lệ người dân có chứng thư số cá nhân, sử dụng chữ ký số vẫn còn rất khiêm tốn. Cụ thể, tính đến tháng 5/2023, trên toàn quốc, có gần 2,1 triệu chứng thư số công cộng đang hoạt động; trong đó gần 1,6 triệu chứng thư số doanh nghiệp, tổ chức và 483.675 chứng thư số cá nhân, chiếm tỷ lệ 23,25%.
Tại tỉnh Điện Biên, việc triển khai cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng đến hết quý II năm 2023 mới cấp được 4.666 chứng thư số công cộng đạt 0,75% tỷ lệ chứng thư số/tổng số dân và đứng thứ 46/63 tỉnh, thành phố. Tỷ lệ chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cấp trên 4.200 chứng thư số, đứng thứ 35/63 tỉnh, thành phố.

Tỉnh Đoàn Điện Biên tổ chức tập huấn sử dụng Chữ ký số cho cán bộ đoàn viên.

Do đó, để đảm bảo các mục tiêu tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân trên 20% theo Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 04/4/2023 của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023 và các mục tiêu, chỉ tiêu, Nghị quyết, Kế hoạch của tỉnh Điện Biên (cung cấp khoảng 50.000 chữ ký số). Ngày 02/8/2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Ký kết hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông đóng trên địa bàn (VNPT Điện Biên, Viettel Điện Biên) và Công ty cổ phần MISA (Hà Nội), để triển khai thúc đẩy phổ cập chữ ký số cho người dân, phục vụ đẩy mạnh ch​uyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Theo nội dung ký kết, các đơn vị sẽ phối hợp, hỗ trợ Sở TT&TT xây dựng các chính sách, các hoạt động truyền thông, tư vấn, giới thiệu về việc ứng dụng các giải pháp ký số; đặc biệt giải pháp ký số từ xa cho người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên sử dụng trong các dịch vụ công của tỉnh.
Bên cạnh chính sách chung là miễn phí sử dụng chữ ký số cá nhân theo hình thức ký số từ xa cho toàn bộ người dân Điện Biên trong 12 tháng khi sử dụng trong các dịch vụ hành chính công, 03 nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng gồm VNPT, Viettel và  MISA còn có những ưu đãi riêng dành cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn. Đơn cử như, VNPT giảm 20% giá các dịch vụ hóa đơn điện tử VNPT - Invoice, kê khai bảo hiểm xã hội điện tử; miễn phí 03 tháng sử dụng với 50 hợp đồng và 500Mb dung lượng lưu trữ cho khách hàng đăng ký sử dụng thử nghiệm dịch vụ chứng thực Hợp đồng điện tử VNPT eContract.
Viettel triển khai gói dịch vụ ký số từ xa tính theo lượt ký chỉ với chi phí từ 2.100 vnđ/giao dịch trong các giao dịch khác ngoài dịch vụ côngGiảm 10% giá gói dịch vụ Chứng thực Hợp đồng điện tử vContract khi khách hàng mua combo với Chữ ký số Viettel; miễn phí data cho khách hàng di động Viettel khi sử dụng ứng dụng vContract…
Cùng với việc miễn phí lượt tải qua App Store, Google Play và sử dụng ứng dụng quản lý tài chính cá nhân - Sổ thu chi MISA cho người dân từ nay đến cuối năm 2023, MISA còn tặng miễn phí gói MISA AMIS Văn phòng số bản Starter trong nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS khi doanh nghiệp đăng ký qua https://mily.vn/VPS.

Điện Biên là địa phương thứ 10 ký kết ghi nhớ phối hợp triển khai cấp miễn phí chữ ký số cá nhân để người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, sau hơn 2 tháng các doanh nghiệp cung cấp CKS công cộng đã hướng dẫn gần 6.000 lượt người cài đặt ứng dụng SmartCA và tạo chữ ký số thành công. Có thể nói, việc ký kết Biên bản ghi nhớ cấp chứng thư số công cộng cho người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên giữa Sở Thông tin và Truyền thông với VNPT Điện Biên, Viettel Điện Biên và Công ty Cổ phần MISA sẽ là tiền đề để tỉnh Điện Biên thúc đẩy công tác phổ cập chứng thư số đến đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh, đưa chữ ký số đến gần với người dân hơn, cải thiện nhiều hơn tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến, giảm thời gian và chi phí cho chính quyền và người dân, nâng cao mức độ an toàn và bảo mật cho các giao dịch điện tử giữa người dân và các cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng, đưa công cuộc chuyển đổi số tại Điện Biên lên một tầm cao mới, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho lộ trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh của tỉnh nhà.
Trong thời gian tới để tiếp tục đẩy mạnh triển khai cung cấp chữ ký số cho người dân, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về chữ ký số; đồng thời huy động nguồn nhân lực từ UBND các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh Đoàn, các doanh nghiệp kích hoạt kịp thời với các nhu cầu đăng ký trực tuyến cũng như tăng cường về tận hộ gia đình. Triển khai các giải pháp đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã trong việc ứng dụng chữ ký số vào dịch vụ công trực tuyến để sớm đưa giá trị chữ ký số vào cuộc sống./

Sở Thông tin và Truyền thông


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 819.443
      Online: 17