Ứng dụng các nền tảng số để thúc đẩy trao đổi hàng hóa trên sàn thương mại điện tử đã và đang được rất nhiều công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai thực hiện, nhất là các sản phẩm OCOP. Việc áp dụng phương thức trực tuyến này đã giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước, mở rộng đầu ra cho các sản phẩm nông sản.

HTX sản xuất, chế biến kinh doanh nông sản Điện Biên chuyên sản xuất, kinh doanh các loại bún gạo lứt đỏ, phở lứt ăn liền, bún, phở gạo lứt thông thường...với chất lượng thơm ngon, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh ATTP, sản phẩm đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao, được người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh lựa chọn tiêu dùng.

Đặc biệt, thời gian qua để tiếp cận khách hàng và người tiêu dùng, ngoài bán hàng theo cách truyền thống, HTX còn đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng như: Facebook, Tiktok, Zalo và các khách hàng bán sỉ, bán lẻ. Chính vì vậy, sản phẩm bún, phở gạo lứt của HTX đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố.

Ngoài kênh phân phối truyền thống, HTX sản xuất, chế biến kinh doanh nông sản Điện Biên đã đưa các sản phẩm lên các kênh bán hàng thương mại điện tử.

 

Còn tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Loan Nhẹ, tổ dân phố 14, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ chuyên sản xuất, chế biến và kinh doanh dược liệu quý Đông trùng hạ thảo, với đa dạng mẫu mã sản phẩm. Hiện tại ngoài việc tiêu thụ thị trường trong tỉnh, sản phẩm Đông trung hạ thảo của công ty còn được đưa lên sàn thương mại điện tử và trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Tiktok, Zalo và trang bán hàng Lazada.

Các sản phẩm khi đã được đưa lên sàn thương mại điện tử thì người tiêu dùng chỉ cần truy cập vào các trang và mục tìm kiếm ngay lập tức sản phẩm sẽ hiện ra với đầy đủ thông tin giới thiệu về giá cả, nguồn gốc, xuất xứ, quy trình chế biến sản phẩm rất thuận tiện. Đặc biệt, việc bán hàng theo hình thức này không tốn kinh phí khâu trung gian và có nhiều phân khúc khách hàng tại các tỉnh, thành phố.

Toàn tỉnh hiện có 56 sản phẩm OCOP, trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao và 52 sản phẩm đạt 3 sao. Để giúp các công ty, doanh nghiệp đưa các sản phẩm này lên sàn thương mại điện tử, thời gian qua, các sở, ngành đã triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án thương mại điện tử được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, phối hợp với các địa phương triển khai hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng quảng bá sản phẩm trên nền tảng số cũng như là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử.

Thay đổi tư duy kinh doanh đã giúp sản phẩm của các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được khách hàng bốn phương nhờ nền tảng số.

“Những năm qua, Sở Công thương đã chỉ đạo các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử bởi trong xu thế hiện nay, phát triển thương mại điện tử là môi trường để các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025, Sở Công thương đang chỉ đạo Trung tâm xúc tiến thương mại xây dựng các đề án về hỗ trợ các doanh nghiệp để các sản phẩm được giới thiệu, quảng bá trên các sàn thương mại điện tử.” - ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Điện Biên, thông tin.       

Với sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh khi đưa lên sàn thương mại điện tử chỉ trong thời gian rất ngắn đã có thể quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng ở 63 tỉnh thành trong cả nước. Qua đó đã giúp nhiều hộ sản xuất kinh doanh, các công ty doanh nghiệp HTX trên địa bàn tỉnh có thêm kênh tiêu thụ sản phẩm lâu dài, không tốn kinh phí khâu trung gian và có nhiều phân khúc khách hàng tại các tỉnh, thành phố. Đồng thời góp phần thúc đẩy việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến với khách hàng./.

dienbientv.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 819.532
      Online: 10