Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Liên hợp quốc để triển khai các sáng kiến kỹ thuật số. Việt Nam không chỉ chú trọng tận dụng các cơ hội từ chuyển đổi số mà còn đặc biệt quan tâm đến việc giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn.

Ngày 21/11/2024, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Thứ trưởng Bùi Thế Duy đã chủ trì buổi làm việc với bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam. Nội dung chính của buổi làm việc về Hiệp ước Kỹ thuật số Toàn cầu (Global Digital Compact) do Liên hợp quốc khởi xướng, cùng các kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số và phối hợp với Bộ Ngoại giao và Liên hợp quốc chuẩn bị cho chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam dự kiến vào đầu năm 2025 của ông Amandeep Singh Gill - Đặc phái viên Liên hợp quốc về công nghệ.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Pauline Tamesis nhấn mạnh, Hiệp ước Kỹ thuật số Toàn cầu không chỉ là một sáng kiến mang tính chiến lược mà còn là nền tảng để định hình cách các quốc gia tiếp cận và triển khai chuyển đổi số một cách bền vững, toàn diện, vì lợi ích chung của nhân loại. Hiệp ước đặt ra những nguyên tắc cốt lõi trong quản lý và ứng dụng công nghệ, như bảo đảm công bằng trong tiếp cận, bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngăn chặn các rủi ro từ trí tuệ nhân tạo (AI), và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phát triển công nghệ.

Bà Pauline khẳng định, Việt Nam với vai trò là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực Đông Nam Á về ứng dụng và phát triển công nghệ, có tiềm năng đóng góp mạnh mẽ vào việc định hình các chiến lược chuyển đổi số toàn cầu.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc phối hợp chặt chẽ với Liên hợp quốc để triển khai các sáng kiến kỹ thuật số. Việt Nam không chỉ chú trọng tận dụng các cơ hội từ chuyển đổi số mà còn đặc biệt quan tâm đến việc giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn, như việc lạm dụng dữ liệu, tin tức giả mạo, và các tác động tiêu cực từ AI. Thứ trưởng chia sẻ về việc Việt Nam cũng đang hợp tác chặt chẽ với vai trò đối tác có trách nhiệm với Úc, Anh… và các nước ASEAN về AI và chuyển đổi số. 

Toàn cảnh buổi làm việc.

Một trong những nội dung quan trọng của buổi làm việc là thảo luận về nội dung của Diễn đàn đối thoại đa bên về chuyển đổi số tại Việt Nam trong chuyến thăm của ông Amandeep Singh Gill. Diễn đàn dự kiến sẽ quy tụ đại diện từ các bộ, ngành, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và cộng đồng khoa học để trao đổi, thảo luận về các thách thức và cơ hội trong chuyển đổi số, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể.

Liên hợp quốc cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam cả về kỹ thuật và chuyên môn trong quá trình triển khai các sáng kiến liên quan đến Hiệp ước Kỹ thuật số Toàn cầu. Bà Pauline Tamesis bày tỏ sự tin tưởng rằng Việt Nam không chỉ đóng vai trò quan trọng trong khu vực mà còn có thể trở thành hình mẫu trong phát triển và ứng dụng công nghệ bền vững.

Buổi làm việc đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, đặt nền tảng cho các sáng kiến chuyển đổi số bền vững trong tương lai. Sự kiện này không chỉ phản ánh cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tận dụng công nghệ để phát triển kinh tế - xã hội, mà còn khẳng định vai trò tích cực của Việt Nam trong các diễn đàn quốc tế về đổi mới sáng tạo.

Việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho các hoạt động hợp tác sắp tới giữa hai bên và chuyến thăm của Đặc phái viên Công nghệ Liên hợp quốc vào đầu năm 2025 được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, giúp Việt Nam tiếp tục nâng cao vị thế trên bản đồ công nghệ thế giới và đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Đại diện hai Bên chụp ảnh.

Hiệp ước Kỹ thuật số Toàn cầu là một sáng kiến quan trọng do Liên hợp quốc khởi xướng nhằm định hình các nguyên tắc, chính sách, quy định toàn cầu để quản lý và thúc đẩy chuyển đổi số bền vững, công bằng, và toàn diện. Đây là một phần trong nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm đối phó với các thách thức và tận dụng các cơ hội do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số mang lại, đặc biệt trong lĩnh vực AI, dữ liệu lớn, và kết nối toàn cầu.

 

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Hợp tác quốc tế


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 818.428
      Online: 14