Xác định chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính là một trong những nội dung quan trọng, tạo tính đột phá nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với tinh thần quyết tâm và quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, vượt qua khó khăn về nguồn lực đầu tư cũng như khoảng cách về trình độ khoa học công nghệ, tỉnh Điện Biên đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch hoạt động của UBQG về chuyển đổi số, chủ động ban hành văn bản chỉ đạo, cũng như tổ chức triển khai các nhiệm vụ.

Để thực hiện chuyển đổi số tổng thể, toàn diện với mục tiêu tiêu “5 không”: Xử lý văn bản không giấy tờ; họp không gặp mặt; giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính không tiếp xúc; thông tin không nhập nhiều lần; thanh toán không dùng tiền mặt và “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”. Cấp ủy, chính quyền các cấp; các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã quan tâm đầu tư trang thiết bị (máy tính, máy in, máy quét...); tăng cường vận hành, sử dụng các hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung, đồng thời bảo đảm an toàn thông tin mạng đồng bộ, hiện đại; tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tra cứu, tìm kiếm, trao đổi thông tin và thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Với sự quyết tâm của các cấp uỷ, chính quyền, trong thời gian qua hoạt động chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp đã đạt được một số kết quả, cụ thể như: 100% các cơ quan Nhà nước các cấp đã sử dụng nền tảng quản lý văn bản và hồ sơ công việc, liên thông vào Trục liên thông văn bản Quốc gia; tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt 98%; 100% cán bộ, công chức được cấp tài khoản thư điện tử công vụ và có tài khoản cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% cơ quan cấp tỉnh và huyện triển khai áp dụng hệ thống chỉ đạo, điều hành. Hệ thống họp trực tuyến được đầu tư đồng bộ, số lượng cuộc họp ngày càng tăng, đảm bảo chất lượng; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình và công khai, minh bạch tiến độ giải quyết TTHC; từ đó đánh giá chính xác và hiệu quả cũng như gắn trách nhiệm của từng cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp và kịp thời đề ra các giải pháp tiếp tục đầy mạnh cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh. Đến  31/5/2024, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã đã thực hiện tiếp nhận trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh là trên 45.000 hồ sơ; tỷ lệ xử lý hồ sơ đúng hạn, sớm hạn đạt trên 99%; số hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt trên 85%.

Lễ ký kết Thoả thuận hợp tác chiến lược về Chuyển đổi số giữa UBND tỉnh Điện Biên với Tập đoàn - Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettle)

Có thể nói, việc đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính đã giúp các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo Báo cáo chỉ số CCHC năm 2023, Hội đồng đánh giá chỉ số Cải cách hành chính Quốc gia (Par Index) đã chấm điểm 12 tiêu chí thành phần về Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tỉnh Điện Biên đạt10,817/12 điểm (đạt 90,1%, trong đó có TCTP 7.1.2 Triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây chưa được đánh giá, do đó Điện Biên đạt 98,3% trên tổng số điểm đánh giá (Tăng 06% so với năm 2023)).

Qua đánh giá thông qua khảo sát, điều tra xã hội học năm 2023 cho thấy tác động đến xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính quyền số tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố ngày một tăng: Điểm trung bình tại cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh là 3,166/3,5 điểm (đạt 90,5% điểm tăng 0,07 điểm % so với năm 2022); trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo là đơn vị đạt điểm cao nhất ở tiêu chí này với 3,346/3,5 điểm; Điểm trung bình tại UBND cấp huyện là 1,417/1,5 điểm (đạt 94.5% tăng 0,08% so với năm 2022); trong đó, Thị xã Mường Lay tiếp tục là đơn vị đạt điểm cao nhất với số điểm là 1,466/1,50.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính còn có hạn chế như: Một số cơ quan, đơn vị chưa triển khai hiệu quả các Hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết và cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết còn hạn chế và chưa đúng quy định. Việc xây dựng CSDL của một số ngành còn chậm, chưa hoàn thiện; kết nối, chia sẻ dữ liệu còn khó khăn. Cơ quan cấp xã chưa hoàn thành việc phân loại, xác định, phê duyệt đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin. Nguồn lực chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin mạng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương đã được quan tâm, tuy nhiên vẫn còn khó khăn...

Để tiếp tục giữ vững và phát huy những kết quả đạt được, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu về chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính từng bước hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính quyền kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, Tiếp tục đẩy mạnh sử dụng hiệu quả nền tảng Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh, thực hiện đầy đủ việc ký số bởi người có thẩm quyền và ký số của cơ quan, tổ chức để đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 29/2021/QĐ-UBND ngày 14/12/2021 của UBND tỉnh.

Thứ hai, Chỉ đạo, tổ chức thực hiện giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến trên Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, gắn trách nhiệm với cá nhân, tổ chức, phấn đấu giải quyết hồ sơ đúng hạn 100%; thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa theo đúng quy định. Quan tâm đầu tư trang thiết bị CNTT, tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến để tăng tính công khai, minh bạch và giảm chi phí.

Thứ ba, Hoàn thành xây dựng và triển khai sử dụng các cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh; tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp truy cập, khai thác, sử dụng thúc đẩy phát triển các dịch vụ số; Thực hiện kết nối tích hợp, chia sẻ dữ liệu theo chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương.

Thứ tư, Các cơ quan, đơn vị hoàn thành việc phân loại, xác định cấp độ và xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho các hệ thống thông tin; thực hiện dán nhãn tín nhiệm mạng cho 100% các trang/cổng thông tin điện tử. Triển khai đầy đủ giải pháp phòng, chống mã độc tập trung theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên tổ chức đánh giá và bảo đảm an toàn thông tin mạng tại cơ quan, đơn vị địa phương mình không để xẩy ra tình trạng mất an toàn, an ninh thông tin, kịp thời xử lý, loại bỏ mã độc được phát hiện, cảnh báo.

Thứ năm, Quan tâm nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số: Bảo đảm kinh phí chi thường xuyên tối thiểu 1%, bố trí tối thiểu 01 công chức chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức; phổ cập kỹ năng số cho người dân đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong thời gian tới.

Sở Thông tin và Truyền Thông


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 776.577
      Online: 24