ĐBP - Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 595/QĐ-UBND ngày 28/4/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2016 - 2020 tại Điện Biên, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện kế hoạch và đạt được một số kết quả nhất định như: Giúp người dân nâng cao nhận thức trong sản xuất bền vững, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giảm lượng giống và nước tưới, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản...

Trước thách thức của biến đổi khí hậu và đòi hỏi ngày càng cao về an toàn thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản trong tình hình mới thì việc tiếp tục nhân rộng Chương trình IPM trên toàn tỉnh là rất cần thiết, đặc biệt là áp dụng IPM trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng. Do đó, Điện Biên đã xây dựng kế hoạch về việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng quản lý IPM trên cây trồng giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu 40 - 50% số hộ nông dân sản xuất nông nghiệp hiểu biết và áp dụng IPM trên các cây trồng. 100% chủ thể tham gia OCOP, liên kết sản xuất được đào tạo và 100% diện tích cây trồng trong vùng sản xuất sản phẩm OCOP, vùng sản xuất có tham gia liên kết, diện tích ứng dụng công nghệ cao của tỉnh ứng dụng IPM đầy đủ.

Đến năm 2025, tỉnh định hướng mở rộng diện tích ứng dụng IPM trên cây lúa, rau màu, cây ăn quả, cây chè, cây cà phê bình quân đạt từ 50% - 70% diện tích ứng dụng IPM, nhằm hướng đến cân bằng sinh thái, tăng khả năng chống chịu của cây trồng trong điều kiện biến đổi khí hậu; giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ đối với sức khỏe cộng đồng, an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả sản xuất, góp phần thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, Điện Biên đã triển khai thực hiện 25 mô hình ứng dụng IPM với 97,1ha, trong đó 11 mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng GAP cơ bản, 13 mô hình quản lý dịch hại và xử lý lúa lẫn có áp dụng máy cấy, 1 mô hình trên cây ngô. Các mô hình được áp dụng đầy đủ các biện pháp IPM, giảm sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Bên cạnh đó, việc lồng ghép các hoạt động đẩy mạnh ứng dụng IPM đối với 36 mô hình trên tổng diện tích 121,8ha, trong đó 21 mô hình trên cây lúa (sản xuất lúa chất lượng, sạ lúa theo hiệu ứng hàng biên); 15 mô hình trên cây màu (8 mô hình trên cây ngô, 5 mô hình trên cây đậu tương, 1 mô hình khoai tây); 1 mô hình trên cây cam. Hiệu quả khi ứng dụng biện pháp IPM trong sản xuất đã góp phần tăng sử dụng phân bón hữu cơ 15 - 25%, giảm phân bón vô cơ 10 - 30%; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học tăng 20 - 30%, thuốc hóa học giảm 15 - 30%; lượng giống giảm 15 - 30%; giảm lượng nước tưới 5 - 10%; năng suất tăng 5 - 7%...

Mặc dù IPM có vai trò rất quan trọng đối với sản xuất, tuy nhiên đến nay việc áp dụng IPM ra đại trà ở Điện Biên còn hạn chế. Nguyên nhân do thiếu đội ngũ cán bộ kỹ thuật am hiểu và có khả năng tuyên truyền về IPM. Vì vậy mà người dân chủ yếu áp dụng từng phần của quy trình IPM như: Vệ sinh đồng ruộng, giảm lượng giống, giảm sử dụng phân đạm, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Ước tính tổng diện tích áp dụng IPM từng phần giai đoạn 2016 - 2020 trên lúa khoảng 11.300ha, ngô 6.400ha, cây rau 920ha, cây ăn quả 1.400ha, cây mắc ca 1.500ha, cây công nghiệp 4.300ha.

Ông Bùi Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2020 - 2025, Chi cục đã phối hợp với các huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể trên địa bàn huyện mình, trong đó triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, xây dựng mô hình, đồng thời hướng dẫn các huyện với nguồn vốn khuyến nông, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường… phấn đấu diện tích áp dụng đạt được tối thiểu như trong kế hoạch của tỉnh giao. Tuy việc ứng dụng IPM trên cây trồng giai đoạn 2015 - 2020 chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn, song bước đầu đã góp phần nâng cao trình độ canh tác, vai trò chủ động của nông dân trong sản xuất, giảm được mối nguy hại do lạm dụng hóa chất đối với sức khỏe cộng đồng, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng và thích ứng biến đổi khí hậu. Điều đáng nói là khi áp dụng IPM trong canh tác đã giảm được lượng thuốc trừ sâu góp phần bảo vệ các loại thiên địch, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, bảo vệ môi trường.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có diện tích gieo trồng cả năm khoảng 11.732ha, trong đó diện tích lúa 2 vụ trên 19.662ha. Nhằm bảo đảm cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, Điện Biên đã áp dụng, triển khai nhiều dự án, giống lúa chất lượng cao theo quy trình liên kết, thúc đẩy chương trình IPM trên lúa để giải quyết bùng phát dịch bệnh tại một số địa phương, điển hình như huyện Điện Biên, TP. Điện Biên Phủ…

baodienbienphu.com.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 885.293
      Online: 7