Tên nhiệm vụ:
Nghiên cứu phát triển giống lúa nếp cẩm mới ĐH6 ngắn ngày, chất lượng cao thích ứng được 2 vụ trong năm cho tỉnh Điện Biên
1. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên
2. Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ và người tham gia chính
2.1. Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ
ThS. Nguyễn Xuân Toán
2.2. Người tham gia chính
ThS. Trần Bá Uẩn; KS. Trần Văn Tiếp; ThS. Lưu Quang Vũ; ThS. Nguyễn Đức Tuấn; ThS. Hoàng Thị Hưng; ThS. Phạm Thị Hà; ThS. Quàng Thị Dương; ThS. Phan Thị Nga; CN. Đào Thị Thanh Xuyến.
3. Mục tiêu của nhiệm vụ:
Nghiên cứu phát triển diện tích gieo cấy nếp cẩm ĐH6 năng suất, chất lượng cao, gieo trồng được 2 vụ trong năm cho tỉnh Điện Biên.
4. Kết quả thực hiện nhiệm vụ (tóm tắt):
- Đề tài đã thực hiện theo đúng thuyết minh về thời gian, tiến độ và các nội dung nghiên cứu; các sản phẩm khoa học được thực hiện trên cơ sở khoa học có độ tin cậy và chính xác.
- Về kết quả nghiên cứu:
+ Đề tài đã tiến hành điều tra, phỏng vấn kinh nghiệm của 200 hộ nông dân thuộc 04 xã/phường trong vùng lòng chảo về tình hình sản xuất lúa trong 3 năm (2015 - 2017); với các nội dung về quy mô canh tác, mức đầu tư phân bón, năng suất, tình hình sâu bệnh và quy trình sản xuất lúa nếp.
+ Đề tài đã tiến hành 03 thí nghiệm đối với giống nếp cẩm ĐH6 trong vụ mùa 2018 và vụ đông xuân 2018-2019 về các nội dung: Xác định ảnh hưởng của thời vụ, xác định ảnh hưởng của liều lượng bón đạm ure và lượng giống gieo sạ phù hợp. Kết thúc thí nghiệm, đã triển khai mô hình trình diễn vụ mùa 2019 tại Trại Thí nghiệm - Thực hành và đội 6 xã Thanh Luông, huyện Điện Biên.
Kết quả cho thấy: Giống lúa nếp cẩm ĐH6 có khả năng sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện thời tiết khí hậu tại Điện Biên, thích hợp nhất trên loại đất cao và trung bình, gieo trồng được 2 vụ/năm trên ruộng. Giống có khả năng đẻ nhánh tốt, cứng cây, ít sâu bệnh, các điều kiện chăm sóc tương tự như các giống lúa thuần khác được trồng phổ biến tại địa phương. Năng suất vụ mùa đạt trung bình 5,6 tấn/ha, vụ đông xuân đạt trung bình 6,2 tấn/ha. Đặc biệt gạo nếp cẩm rất được thị trường ưa chuộng, do đó giá thóc bán ra cao hơn các giống lúa khác cùng thời điểm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân.
+ Dựa trên vào kết quả nghiên cứu của thí nghiệm, đề tài đã hoàn thiện quy trình thâm canh giống lúa nếp cẩm ĐH6 cho vùng lòng chảo Điện Biên. Quy trình kỹ thuật đã nêu được những bước cơ bản về các khâu thời vụ, làm đất, chuẩn bị và xử lý hạt giống trước khi gieo cho vụ mùa - vụ đông xuân, lượng phân bón và cách bón, phương pháp gieo, điều tiết nước - tỉa dặm, phương pháp phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh.
+ Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật cho nông dân vùng sản xuất và tổ chức hội nghị đầu bờ, hội thảo khoa học về kết quả sản xuất thử nghiệm giống lúa nếp cẩm ĐH6 để hoàn thiện nội dung nghiên cứu.
5. Thời gian bắt đầu dự kiến và thời gian kết thúc:
24 tháng, bắt đầu từ tháng 6/2018 - Kết thúc 5/2020
6. Kinh phí thực hiện
405,303 triệu đồng