Đưa khoa học vào sản xuất, nói thì dễ nhưng để thực hiện được rất khó. Để nông dân có thêm kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Điện Biên đã triển khai các đề tài đưa vào cuộc sống người dân. Nhiều hộ dân được hưởng lợi, có thêm kiến thức để làm kinh tế.

Cầm tay chỉ việc cho nông dân Điện Biên

Chia sẻ với chúng tôi ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Điện Biên cho biết: "Mình phải đặt mình vào vị trí của người dân thì mới biết họ chăn nuôi, canh tác thiếu cái gì? Cứ bảo họ phải áp dụng khoa học vào sản xuất, nhưng với trình độ của bà con nông dân Điện Biên, mình không làm thử nghiệm để nông dân có kinh nghiệm thì họ biết dựa vào ai. Vì thế chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị thực hiện các đề tài khoa học, áp dụng trực tiếp vào chăn nuôi, trồng trọt của người dân. Như vậy họ nắm được kiến thức, để nhân rộng ra cộng đồng".

Qua các đề tài khoa học được triển khai. Nông dân Điện Biên đã có thêm kiến thức, áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi. Ảnh Vinh Duy.

Theo ông Nguyễn Đức Hạnh thì sở Khoa học Công nghệ là cơ quan quản lý nhà nước. Muốn thực hiện các đề tài khoa học để áp dụng vào sản xuất của người dân thì đơn vị đã phối hợp với các đơn vị, địa phương khác để triển khai các mô hình, đề tài khoa học… Như năm 2020 đơn vị đã phối hợp với Trại thí nghiệm thực hành Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên đã thực hiện thành công đề tài khoa học "Xây dựng mô hình nuôi gà J-DABACO trên đệm lót sinh học". Ðến nay mô hình đã được chuyển giao khoa học kỹ thuật và nhân rộng đem lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường. Từ thành công của mô hình, đầu năm 2022 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuần Giáo đã triển khai, phát triển mô hình nuôi gà J-DABACO trên đệm lót sinh học trên địa bàn huyện.

Gia đình ông Vũ Quang Vỡi, xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ) luôn duy trì từ 100 - 150 con gà J-DABACO, đã cho ông thu nhập khá.

Lòng chảo Điện Biên có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng rất phù hợp trồng các loại rau màu. Trước đây nông dân vẫn trồng, canh tác trên diện tích đất vốn có, nhưng hiệu quả kinh tế chẳng đáng là bao. Năm 2022 Sở Khoa học Công nghệ Điện Biên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi (Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn) thực hiện thành công "Ðề tài nghiên cứu các giải pháp sản xuất rau an toàn bền vững trên địa bàn huyện Ðiện Biên". Nông dân tham gia mô hình trồng rau an toàn đã có thu nhập khá. Rau được người tiêu dùng đón nhận vì không sử dụng thuốc bảo về thực vật, sử dụng an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay nhiều hộ đã học tập và phát triển diện tích rau an toàn, cho thu nhập cao.

Nông dân Điện Biên thoát nghèo sau khi các đề tài khoa học được triển khai

Theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Điện Biên thì nông dân là người được hưởng lợi từ các mô hình, đề tài khoa học của sở sau khi triển khai. Như đề tài nghiên cứu các giải pháp sản xuất rau an toàn bền vững trên địa bàn huyện Ðiện Biên, sau khi thành công, năm 2022 Hội Nông dân tỉnh đã triển khai ứng dụng, nhân rộng mô hình trên địa bàn xã Thanh Xương và Pa Thơm. Mô hình trồng rau bắp cải theo hướng an toàn bền vững cho năng suất bình quân 3 tấn/1.000m2, cao hơn diện tích đối chứng 0,5 tấn; mô hình tăng thêm từ 15 - 20% lợi nhuận so với phương pháp trồng rau truyền thống. Việc ứng dụng đề tài nghiên cứu khoa học trong sản xuất đã giúp các hộ dân nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất rau an toàn, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. 

Thông qua mô hình còn giúp người nông dân thay đổi tập quán canh tác, phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ðồng thời, mô hình sản xuất rau an toàn đã thực hiện liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị, truy xuất nguồn gốc; có khả năng hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Với ứng dụng khoa học vào sản xuất, nông dân Điện Biên đã từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ảnh Vinh Duy.

Hay đề tài nuôi gà J-DABACO trên đệm lót sinh học, ban đầu, mô hình thực hiện tại 15 hộ ở 2 xã Quài Nưa và Quài Cang (trung bình mỗi hộ 100 con gà). Giống gà J-DABACO thích nghi với điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng cũng như thời tiết, khí hậu địa phương. Do đó sau 16 tuần nuôi, tỷ lệ gà sống đạt gần 94%, trọng lượng bình quân mỗi con 1,8kg; tổng số tiền lãi các hộ nuôi ước đạt trên 80,6 triệu đồng (bình quân lãi gần 5,4 triệu đồng/hộ). Ðến nay, mô hình đã được nhân rộng ra nhiều xã trên địa bàn huyện mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi cao hơn nhiều lần so với nuôi gà truyền thống. Ngoài ra, mô hình nuôi gà J-DABACO trên đệm lót sinh học còn góp phần làm thay đổi nhận thức người dân từ chăn nuôi thả rông sang nuôi bán chăn thả, nhốt, có quản lý, cách ly mầm bệnh và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Mô hình nuôi gà J-DABACO trên đệm lót sinh học hiện nay được nhân rộng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như gia đình ông Vũ Quang Vỡi, xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ) luôn duy trì từ 100 - 150 con gà J-DABACO. Theo ông Vỡi, nuôi gà J-DABACO trên đệm lót sinh học mang lại hiệu quả thiết thực, các vi khuẩn có lợi trong đệm lót có khả năng phân hủy chất thải trong chuồng nuôi. Vì vậy, chuồng luôn khô ráo, hạn chế mùi hôi, khí độc, giúp gà khỏe mạnh, ít mắc bệnh và tăng trưởng nhanh.

Các đề tài nghiên cứu khoa học hiệu quả đã được chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp địa phương. Góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc quy hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của Điện Biên. Xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản. Ðồng thời, góp phần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân./.

https://trangtraiviet.danviet.vn/


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 818.934
      Online: 32